LS Hà Huy Sơn
I. Tóm tắt vụ xảy ra ở Tiên Lãng, Hải Phòng
1.
Xuất phát từ việc UBND huyện Tiên Lãng ra quyết định trái pháp luật đòi thu hồi đầm nuôi trồng thủy sản của gia đình ông Đoàn Văn Vươn nhưng không bồi thường, đền bù thỏa đáng. Ông Vươn không đồng ý, và khiếu nại quyết định của UBND huyện Tiên Lãng. UBND huyện Tiên Lãng giữ nguyên quyết định, ông Vươn phải khởi kiện hành chính ra tòa án huyện Tiên Lãng, tòa xử ông Vươn thua. Ông Vươn kiện tiếp lên tòa án thành phố Hải Phòng. Tòa án Hải Phòng đã lập lờ, không khách quan, tổ chức hòa giải giữa 2 bên nhằm để ông Vươn rút đơn khởi kiện. Có được cớ đó, UBND huyện Tiên Lãng lật lọng quay ra thực hiện cưỡng chế, thu hồi đầm của gia đình ông Vươn. Ngày 05/01/2012, UBND huyện Tiên Lãng tổ chức cưỡng chế với sự tham gia, hỗ trợ của lực lượng vũ trang bao gồm hàng trăm công an, bộ đội địa phương, bộ đội biên phòng với trang bị đầy đủ vũ khí, phương tiện chuyên dụng, chó nghiệp vụ… thành phần có Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng Đại tá Đỗ Hữu Ca mặc áo chống đạn trực tiếp tham gia. Gia đình ông Đoàn Văn Vươn bị đối xử bất công, lại không còn chỗ dựa ở công lý, chính quyền sử dụng bạo lực dồn đến đường cùng, gia đình ông Vươn đứng trước nguy cơ bị cướp trắng tài sản, mồ hôi, nước mắt, thành quả lao động từ nhiều năm. Khi lực lượng cưỡng chế ập đến, anh em nhà ông Vươn cho nổ mìn tự tạo để cảnh cáo nhưng lực lượng cưỡng chế không dừng lại, anh em nhà ông Vươn đã bắn súng hoa cải về phía lực lượng cưỡng chế để chạy trốn để thoát thân. Hậu quả là sáu công an, bộ đội bị thương. Sau đó ít ngày anh em nhà ông Vươn tự ra nộp mình và bị khởi tố, bắt giam vì tội “giết người”.
Về phía lực lượng cưỡng chế, ngay trong ngày đã tổ chức đốt phá, đánh sập, san bằng địa 2 ngôi nhà (mặc dù 2 ngôi ngôi nhà này nằm ngoài khu vực cưỡng chế) và tàn phá tài sản, cây trồng của nhà ông Vươn (ước giá trị trên 500 triệu đồng); toàn bộ thủy sản trong đầm (ước khoảng 1 tỷ đồng) bị đánh bắt, cướp sạch…
2.
Sau đó liên tục hơn 1 tháng, các cơ quan báo chí, truyền thông, mọi tầng lớp trong xã hội dần dần lên tiếng, chia sẻ, ủng hộ, giúp đỡ gia đình ông Đoàn Văn Vươn cả về tinh thần và vật chất. Ngày 16/01/2012, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phải yêu cầu UBND thành phố Hải Phòng báo cáo sự việc. Đến ngày 04/02/2012, sức ép xã hội lên cao đòi giải quyết vụ việc một cách công minh thì Thủ tướng tiếp tục yêu cầu lãnh đạo thành phố Hải Phòng chỉ đạo, xem xét làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến việc giao, sử dụng, thu hồi và tổ chức cưỡng chế đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn và hẹn ngày 10/02/2012 Thủ tướng làm việc với UBND thành phố Hải Phòng để giải quyết vụ việc.
Chính quyền thành phố Hải Phòng, từ Phó chủ tịch UBND Thành phố, Giám đốc công an Thành phố, chính quyền huyện Tiên Lãng, chính quyền xã Vinh Quang, các cơ quan báo chí, tuyên truyền từ thành phố Hải Phòng đến xã Vinh Quang đều khẳng định là UBND huyện Tiên Lãng làm đúng pháp luật và có những hành vi, tuyên truyền đối kháng lại công luận xã hội. Cụ thể ngay trong ngày 5/1, Đại tá Đỗ Hữu Ca - Giám đốc Công an Hải Phòng - trả lời báo chí: “Vụ việc hôm ấy tuy bắt không được đối tượng nhưng trấn áp được đối tượng. Phải nói rằng việc hiệp đồng tác chiến cực kỳ hay. Tôi bảo không có cuộc diễn tập nào thành công bằng cuộc diễn tập lần này”. Ngày 17/01/2012, UBND thành phố Hải Phòng họp báo, Phó chủ tịch thành phố Đỗ Trung Thoại nói rằng: "Nhân dân bất bình nên phá nhà của ông Vươn chứ lực lượng cưỡng chế không san phẳng". Trả lời phỏng vấn Đài truyền hình thành phố Hải Phòng Đại tá Ca nói rằng nhà ông Vươn chỉ là cái “chòi trông cá, nằm trong đất đã thu hồi phá hay không phá không quan trọng”…
3.
Như vậy, việc tổ chức cưỡng chế, thu hồi đầm nuôi trồng thủy sản và hủy hoại tài sản của gia đình anh em ông Đoàn Văn Vươn là có trách nhiệm của lãnh đạo UBND thành phố Hải Phòng, Giám đốc công an thành phố Hải Phòng, chính quyền huyện Tiên Lãng, chính quyền xã Vinh Quang. Bên cạnh đó là những sai phạm của Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng.
4.
Ngày 07/02/2012, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Nguyễn Văn Thành tổ chức họp báo đình chỉ công tác một số lãnh đạo UBND huyện Tiên Lãng do Thành ủy quản lý. Thành ủy chỉ đạo công an thành phố Hải Phòng điều tra vụ án hủy hoại tài sản của gia đình anh Vươn (Ngày 8-2, Công an TP Hải Phòng đã khởi tố điều tra vụ án hủy hoại tài sản công dân tại khu đầm của gia đình ông Đoàn Văn Vươn). Ông Nguyễn Văn Thành tuyên bố: “Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng nghiêm túc kiểm điểm, nhận trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trước Đảng bộ và nhân dân thành phố”.
II. Nhà nước pháp quyền
Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia: Nhà nước pháp quyền là hình thức Nhà nước cộng hòa trong đó Nhà nước xây dựng nên pháp luật để quản lý xã hội và tự đặt mình dưới pháp luật. Mọi cơ quan Nhà nước đều phải được tổ chức và chỉ được phép hoạt động trong khuôn khổ quy định của pháp luật. Công dân tuân thủ, thi hành và sử dụng pháp luật. Quyền công dân được pháp luật ghi nhận và bảo vệ. Trong Nhà nước pháp quyền, ba ngành lập pháp, hành pháp và tư pháp độc lập với nhau. Vai trò của tòa án được đề cao. Điều kiện để có một Nhà nước pháp quyền là phải có một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, đồng bộ, phù hợp và kịp thời. Điều này đòi hỏi công tác xây dựng pháp luật và pháp điển hóa không ngừng được thực hiện. Nhà nước pháp quyền dựa trên nguyên tắc dân chủ. Dân chủ là nền tảng để hoàn chỉnh pháp luật. Pháp luật là công cụ để bảo vệ quyền công dân.
Nhà nước pháp quyền là sự kết hợp giữa Nhà nước và pháp quyền.
III. Cơ sở pháp lý để các cơ quan nhà nước tham gia giải quyết vụ Tiên Lãng, Hải Phòng
1.Vai trò của ngành lập pháp: Quốc hội, Đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng:
1.1. Cơ quan thường trực của Quốc hội là Ủy ban thường trực của Quốc hội, tại khoản 5, Điều 91, Hiến pháp năm 1992, sửa đổi, bổ sung, có quy định nhiệm vụ:
“Giám sát việc thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội; giám sát hoạt động của Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao”.
1.2. Đại biểu Quốc hội, tại Điều 53, Luật tổ chức Quốc hội năm 2001, sửa đổi, bổ sung năm 2007, quy định có nhiệm vụ:
“Khi phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân hoặc của công dân, đại biểu Quốc hội có quyền yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan thi hành những biện pháp cần thiết để kịp thời chấm dứt hành vi trái pháp luật đó”.
1.3. Đoàn đại biểu Quốc hội, tại điểm d, khoản 2, Điều 60, Luật tổ chức Quốc hội năm 2001, sửa đổi, bổ sung năm 2007, quy định có nhiệm vụ:
“Tổ chức để đại biểu Quốc hội giám sát việc thi hành pháp luật ở địa phương”.
1.4. Hội đồng nhân dân, Điều 1, Luật HĐND và UBND năm 2003 quy định có nhiệm vụ:
“Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, do nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên.
Hội đồng nhân dân quyết định những chủ trương, biện pháp quan trọng để phát huy tiềm năng của địa phương, xây dựng và phát triển địa phương về kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, không ngừng cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân địa phương, làm tròn nghĩa vụ của địa phương đối với cả nước.
Hội đồng nhân dân thực hiện quyền giám sát đối với hoạt động của Thường trực Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp; giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Hội đồng nhân dân; giám sát việc tuân theo pháp luật của cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và của công dân ở địa phương”.
2.Vai trò của ngành tư pháp: Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao
2.1. Viện kiểm sát nhân dân, tại khoản 1, điều 3 và điều 6, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002, có quy định chức năng, nhiệm vụ:
“Khoản 1, Điều 3
Thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc điều tra các vụ án hình sự của các cơ quan điều tra và các cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra;
“Điều 6
Khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, Viện kiểm sát nhân dân có quyền ra quyết định, kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các văn bản đó”.
2.2. Tòa án nhân dân, tại khoản 2, điều 19, Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2002, có quy định nhiệm vụ:
“Giám đốc việc xét xử của các Toà án các cấp; giám đốc việc xét xử của Toà án đặc biệt và các Toà án khác, trừ trường hợp có quy định khác khi thành lập các Toà án đó”.
3.Vai trò của ngành hành pháp: Chính phủ, Thủ tướng, UBND
3.1. Khoản 1, 2, Điều 112, Hiến pháp năm 1992, sửa đổi, bổ sung, có quy định:
“Chính phủ có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
1- Lãnh đạo công tác của các Bộ, các cơ quan ngang Bộ và các cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các cấp, xây dựng và kiện toàn hệ thống thống nhất bộ máy hành chính Nhà nước từ trung ương đến cơ sở;
2- Bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và pháp luật trong các cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang và công dân”.
3.2. Khoản 1, 3, 4, 5, Điều 112, Hiến pháp năm 1992, sửa đổi, bổ sung, có quy định:
“Thủ tướng Chính phủ có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
1- Lãnh đạo công tác của Chính phủ, các thành viên Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các cấp; chủ toạ các phiên họp của Chính phủ;
3- Bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức các Thứ trưởng và chức vụ tương đương; phê chuẩn việc bầu cử; miễn nhiệm, điều động, cách chức Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
4- Đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ những quyết định, chỉ thị, thông tư của Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ, quyết định, chỉ thị của Uỷ ban nhân dân và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trái với Hiến pháp, luật và các văn bản của các cơ quan Nhà nước cấp trên;
5- Đình chỉ việc thi hành những nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trái với Hiến pháp, luật và các văn bản của các cơ quan Nhà nước cấp trên, đồng thời đề nghị Uỷ ban thường vụ Quốc hội bãi bỏ”.
3.3. Điều 2, Luật HĐND và UBND năm 2003 quy định:
“Ủy ban nhân dân do Hội đồng nhân dân bầu là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm trước Hội đồng nhân dân cùng cấp và cơ quan nhà nước cấp trên.
Ủy ban nhân dân chịu trách nhiệm chấp hành Hiến pháp, luật, các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên và nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp nhằm bảo đảm thực hiện chủ trương, biện pháp phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh và thực hiện các chính sách khác trên địa bàn.
Ủy ban nhân dân thực hiện chức năng quản lý nhà nước ở địa phương, góp phần bảo đảm sự chỉ đạo, quản lý thống nhất trong bộ máy hành chính nhà nước từ trung ương tới cơ sở”.
IV. Thực tế hành động của bộ máy nhà nước từ địa phương đến trung ương
1- Quốc hội, Đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng sau hơn 1 tháng kể từ khi xảy ra vụ việc ở Tiên Lãng, Hải Phòng đã tuyệt nhiên không có một động thái trách nhiệm nào để thực hiện nhiệm vụ mà pháp luật quy định.
2- Như đã nêu trên những vi phạm pháp luật ở Tiên Lãng có liên quan trách nhiệm đến cấp lãnh đạo UBND thành phố, Cơ quan điều tra công an thành phố, Tòa án nhân dân thành phố nên để các cơ quan này tự điều tra, khởi tố, xét xử sẽ không đảm bảo công minh, khách quan. Trách nhiệm này thuộc về các cơ quan Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao. Pháp luật đã có quy định chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao nhưng 2 cơ quan này cũng không có động thái gì.
3- Tại sao Chính phủ, Thủ tướng chậm trễ chỉ đạo các bộ chức năng tham gia giải quyết vụ việc?
Tại sao Bộ Công an không tiến hành điều tra 2 vụ án “giết người” và hủy hoại tài sản của công dân ở Tiên Lãng. Tại sao Thủ tướng chờ UBND thành phố Hải Phòng báo cáo và tiến hành giải quyết vụ việc trong khi đã có chứng cứ rõ ràng là lãnh đạo UBND thành phố Hải Phòng có liên đới trách nhiệm và thông báo thiếu trung thực, bao biện cho chính quyền huyện Tiên Lãng. Các Bộ chức năng không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ do pháp luật quy định.
Nếu theo logic Thủ tướng chờ UBND thành phố Hải Phòng báo cáo và UBND thành phố Hải Phòng chờ UBND huyện Tiên Lãng báo cáo thì làm sao sự vụ được giải quyết công minh, kịp thời?
V. Các vấn đề đặt ra qua vụ Tiên Lãng, Hải Phòng
1- Cơ chế vận hành của bộ máy nhà nước thụ động, không đáp ứng được yêu cầu của xã hội.
2- HĐND và UBND thành phố Hải Phòng không thực thi nhiệm vụ do pháp luật quy định. HĐND và UBND thành phố Hải Phòng theo pháp luật là người chịu trách nhiệm trước nhân dân Hải Phòng, chịu trách nhiệm trước pháp luật để xảy ra vụ Tiên Lãng không tổ chức họp báo để thông tin cho người dân về vụ việc.
Thành ủy tổ chức họp báo, do ông Nguyễn Văn Thành chủ trì không nhân danh Chủ tịch HĐND thành phố Hải Phòng mà nhân danh Bí thư Thành ủy thông báo về biện pháp giải quyết vụ việc, ông tuyên bố: “Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng nghiêm túc kiểm điểm, nhận trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trước Đảng bộ và nhân dân thành phố”. Hiện nay, chưa có quy định nào về việc Bí thư thành ủy phải chịu trách nhiệm trước pháp luật trong trường hợp như để xảy ra vụ Tiên Lãng. Trong khi Bí thư thành ủy lại là người đứng đầu Thành ủy, cơ quan lãnh đạo chính quyền tại địa phương. Đây là một hạn chế lớn của hệ thống pháp luật.
3- Theo Hiến pháp quy định thì Đảng là người lãnh đạo Nhà nước nhưng không quy định cụ thể là lãnh đạo như thế nào. Bộ máy Nhà nước tại thành phố Hải Phòng do Bí thư Thành ủy lãnh đạo, nhưng không có luật nào quy định rõ Chính phủ, Thủ tướng có quyền lãnh đạo đối với Thành ủy Hải Phòng. Vậy Thủ tướng sẽ chỉ đạo gì nếu Thành ủy Hải Phòng không chấp hành? Ở đây bộc lộ sự trùng lắp, không ăn nhập giữa bộ máy Đảng và bộ máy Nhà nước. Nếu theo logic thì tại địa phương Bí thư Thành ủy Hải Phòng đứng ra giải quyết vụ việc thì trung ương phải là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phải đứng ra chỉ đạo.
4- Trong vụ này, ông Nguyễn Tấn Dũng vừa là Thủ tướng, lại vừa là đại biểu Quốc hội tức là 2 vai, thể hiện sự trùng lắp và ông chỉ có thể là 1 vai. Đây là một minh chứng về sự bất hợp lý khi người ở bộ máy hành pháp lại đồng thời là Đại biểu Quốc hội.
5- Vụ án đã không thể bưng bít, và không thể tùy tiện giải quyết là do: nhận thức của người dân đã thay đổi; nhờ tính năng ưu việt của công nghệ thông tin, truyền thông ngày nay; và áp lực mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân quan tâm đến vụ việc.
6- Một cảnh báo nguy hiểm về việc tùy tiện sử dụng quân đội tham gia trấn áp nhân dân.
7- Bộ công an đã bỏ rơi trách nhiệm không trực tiếp tham gia điều tra và Thủ tướng cũng không chỉ đạo.
8- Công an thành phố Hải Phòng điều tra vụ việc là không đảm bảo tính khách quan, công bằng.Ngày hôm đó (05/01/2012) nếu không chạy thoát, khả năng anh em nhà ông Vươn bị giết là rất cao, hiện trường, clip, nhân chứng tham gia nếu được điều tra khách quan thì sẽ chứng minh được điều này. Nay anh em ông Vươn lại do công an Hải Phòng điều tra là hết sức phi lý.
9- Một xã hội có công lý thì không thể chỉ phụ thuộc vào ý chí của cá nhân người lãnh đạo mà phải do chính bản chất của thể chế đó quyết định. Do đó, nói uy tín Thủ tướng càng lên cao khi giải quyết vụ Tiên Lãng hoặc đặt niềm tin vào cá nhân Thủ tướng trong vụ này là hạ thấp bản chất của thể chế, thể hiện sự duy ý chí.
Tướng giỏi không cần phải đánh trận mà thắng mới đúng. Ví dụ: Công tác PCCC, có 2 chức năng phòng cháy và chữa cháy, nếu tướng giỏi là tướng không phải chữa một đám cháy nào vì làm công tác phòng cháy tốt. Không lẽ tướng chữa cháy giỏi hết vụ cháy này, đến vụ cháy khác thì uy tín của tướng đó lại càng lên cao hay sao?
Tại sao khi giải quyết vụ Tiên Lãng sao không hy vọng vào thể chế và việc giải quyết đúng vụ này thì uy tín của chế độ càng lên cao mà lại cho rằng uy tín của Thủ tướng càng lên cao và gửi hy vọng vào cá nhân Thủ tướng? Thế còn hàng loạt các vụ tham nhũng, sai phạm đặc biệt nghiêm trọng lại là trách nhiệm của tập thể, tại lỗi cơ chế thì có công bằng không?
10- Cách giải quyết như vụ Tiên Lãng là không giải quyết được tình hình hiện nay vì các vụ việc tương tự đã, đang xảy ra ở khắp các địa phương trong cả nước.
Phân tích trên cho thấy nhà nước hiện nay không phải là nhà nước pháp quyền. Chính sự không trung thực là nguồn gốc của mọi tội ác. Cuộc sống xã hội hiện nay đòi hỏi cần có một nhà nước pháp quyền - Đây mới chính là giải pháp cho mọi vấn đề của xã hội.
Hà Nội, ngày 10/02/2012,
H.H.S.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN
Ông HHS là LS nên ổng phải biết : VN mình chỉ là nhà nước pháp quyền XHCN. ( có cái đuôi XHCN :)
Trả lờiXóaTỨC LÀ DZẦY NÈ :
Trả lờiXóa" Ở CÁI NƯỚC MÌNH NÓ THẾ !" .
(trích)
"Tình trạng “8 không”: không cụ thể, không rõ ràng, không nhất quán, không minh bạch, không tiên liệu trước được, không hợp lý, không hiệu quả và không hiệu lực đang tồn tại khá phổ biến ở hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nước ta hiện nay" - theo Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư
- - - -
Có nghĩa là :
PL cũng vẫn còn có những kẻ hở chưa hoàn thiện - được vận dụng tùy nghi (hên xui) - kẻ "khôn khéo thì biết "lách luật", vì thế trong thực tế đời sống xã hội hiện nay, rất cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, đặc biệt là hệ thống PLHS & PLTTHS, chẳng hạn như : Loại bỏ những qui định lạc hậu, lỗi thời, Bổ sung những qui định mới cho phù hợp với sự phát triển của xã hội...v.v
- Bởi vì trên lý thuyết, nguyên tắc " tòa án xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật" nhưng VẪN PHẢI CHỊU SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG . Đảng lãnh đạo tòa án bằng đường lối, chính sách, nghị quyết...v.v...đối với công tác xét xử trong từng giai đoạn, đối với từng loại vụ án.
Ex : Vụ TL (cũng do đảng chỉ đạo xử, là lý do đó đó :))
CHO NÊN BÀN LÀM CHI ? KHÓ NÓI LẮM !
Hổng có khó nói, mà nói ra ... nó khó bậu ui :((
Trả lờiXóaCÁI ĐUÔI đó nó ... hổng giống ai ! Hic!
Trả lờiXóaBởi vì : " Nhà nước nào, pháp luật đó ", mà coi kỷ lại thì thấy ... nó trật rơ ( nhà nước XHCN thì hổng giống, pháp quyền cũng hổng giống, còn pháp luật , pháp chế thì XHCN, thì giữ y xì từ đó giờ lâu rồi, hổng thấy sửa đổi, chậm sửa đổi, hic! )