Thứ Bảy, 9 tháng 6, 2012

Dân biểu Mỹ quan ngại về nghị định kiểm soát Internet sắp ban hành ở VN

Dân biểu Frank Wolf

Đồng Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos thuộc Hạ viện Hoa Kỳ, dân biểu Frank Wolf, gửi thư cho Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Facebook, Mark Zuckerberg, bày tỏ quan ngại về tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam và Nghị định quản lý internet mà chính phủ Hà Nội sắp ban hành thay thế cho Nghị định 97.

Thư thông báo cho Facebook rằng Nghị định mới về Quản lý, Cung cấp, và Sử dụng các dịch vụ Internet và thông tin trên mạng của Việt Nam không những ảnh hưởng tới các công ty Internet làm ăn tại Việt Nam mà còn có những tác hại nghiêm trọng đối với quyền tự do bày tỏ ý kiến và tiếp cận thông tin của người dân trong nước. 


Bức thư nêu rõ theo Nghị định Việt Nam dự kiến ban hành trong tháng 6 năm nay, những ai đăng tải lên mạng Internet các nội dung chỉ trích nhà nước là phạm pháp, người sử dụng net bắt buộc phải cung cấp tên thật và thông tin cá nhân để chính quyền dễ lần ra manh mối.


Dân biểu Frank Wolf nói nghị định mới thật hết sức đáng quan ngại vì nó có thể biến các công ty Internet như Facebook trở thành đồng lõa với những hành động đàn áp và vi phạm nhân quyền của chính quyền Việt Nam bằng các quy định buộc những công ty Internet cung cấp dịch vụ blog, chat, và các diễn đàn trên mạng xã hội như Facebook phải cung cấp thông tin về bất kỳ hoạt động nào trên mạng bị nhà nước cấm.


Lá thư của dân biểu Frank Wolf nhấn mạnh Hoa Kỳ phải là biểu tượng của dân chủ trên toàn thế giới và vì vậy các công ty Mỹ được hưởng các quyền tự do và nguồn lực của Mỹ nên tìm cách cổ súy dân chủ và nhân quyền.


Nhà lập pháp Mỹ yêu cầu công ty Facebook của Hoa Kỳ cho biết phản hồi nếu như Nghị định mới của Việt Nam về quản lý Internet chính thức được thi hành.


Trong bản đóng góp ý kiến gửi chính phủ Việt Nam đầu tháng này, chính phủ Mỹ cho rằng Dự thảo Nghị định về Quản lý, Cung cấp, và Sử dụng các dịch vụ Internet và thông tin trên mạng của Việt Nam gây ra các quan ngại về mặt tác động thương mại và rộng hơn là về quyền tự do bày tỏ quan điểm của công dân. Hoa Kỳ đề nghị Việt Nam xem xét một số điều khoản chưa rõ ràng hoặc chưa hợp lý để tránh việc nghị định này có thể bị lạm dụng để hạn chế hoạt động thương mại hợp pháp trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ Internet cũng như giới hạn quyền tiếp cận thông tin và bày tỏ quan điểm của công dân.


Việt Nam, một trong những quốc gia bị tổ chức Phóng viên Không Biên giới liệt kê vào danh sách ‘Kẻ thù của Internet’ liên tiếp trong những năm gần đây, nói rằng Nghị định mới thay thế cho Nghị định ban hành năm 2008 để phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm ơn bạn đã ghé thăm Già!
:)