Thứ Sáu, 2 tháng 3, 2012

Bộ gõ Unikey bị nhúng mã độc, lây nhiễm lan rộng và cách tìm diệt...

Nguồn: Từ các báo Tuổi Trẻ Online & Người Lao Động và HVA Việt Nam

TTO - Sau khi chiếm quyền điều khiển website Unikey.org, tin tặc đã thay đổi địa chỉ tải bộ gõ tiếng Việt Unikey sang một địa chỉ giả mạo. Hơn 23.000 người dùng đã bị lây nhiễm mã độc và con số tiếp tục tăng nhanh.

Hack website, nhúng mã độc

Ngày 1-3, thành viên bolzano_1989 từ diễn đàn Hacker Vietnam (HVA Online) đã cảnh báo về website Unikey.org bị hacker chiếm quyền kiểm soát và chuyển hướng tải bộ gõ tiếng Việt Unikey sang một trang giả mạo do hacker này tạo ra.

Hacker đã rất tinh vi trong kỹ thuật đánh lừa các nạn nhân khiến họ không thể nào biết được mình đang truy cập vào một địa chỉ giả mạo gần giống với địa chỉ thật tại SourceForge.net, vô tư tải về bộ gõ Unikey đã có kèm mã độc. Cụ thể là hai địa chỉ: sourceforge.net/projects/unikey/ (thật) vàsourceforge.net/projects/unjkey (giả), khác biệt ở chữ i và j.

Website Unikey.org bị chiếm quyền điều khiển và liên kết tải bộ gõ Unikey cũng bị đổi sang địa chỉ giả mạo sourceforge.net/projects/unjkey
Địa chỉ web giả mạo sourceforge.net/projects/unjkey, cung cấp bộ gõ Unikey có kèm mã độc

Unikey là bộ gõ tiếng Việt mã nguồn mở do tác giả Phạm Kim Long phát triển và cung cấp miễn phí sử dụng từ website Unikey.org. Unikey là một trong những phần mềm hỗ trợ gõ tiếng Việt trên máy tính dùng Windows được sử dụng rộng rãi nhất, bởi các tính năng như nhỏ gọn, tiện dụng, linh hoạt và không cần cài đặt.

Số lượt tải về mỗi ngày vào khoảng 3.000 lượt từ người dùng Việt khắp nơi trên thế giới (số liệu thống kê từ SourceForge, website cung cấp dịch vụ lưu trữ cho các phần mềm nguồn mở).

Ngay sau khi phát hiện vụ việc, nhóm quản trị HVA Online đã tích cực liên hệ tác giả Phạm Kim Long để xử lý. Ngày 2-3, SourceForge đã chính thức xóa sổ trang giả mạo và tác giả Phạm Kim Long cũng đã lấy lại được quyền điều khiển website Unikey.org. Tuy vậy, hậu quả của vụ tấn công có mục đích này rất nghiêm trọng. 

Mối nguy hại rất lớn

Theo trao đổi với Nhịp Sống Số, từ phân tích của nhóm thành viên HVA Online cho thấy có thể xâu chuỗi đợt tấn công này với các đợt tấn công tương tự vào nhiều website Việt Nam trong năm 2011. Với cùng cách thức tương tự, chiếm website, rải mã độc, một nhóm hacker đang thu thập thêm số lượng "máy tính ma" (zombie), bổ sung vào đội quân botnet, phục vụ các chiến dịch tấn công từ chối dịch vụ DDoS.

Cách diệt "mã độc Unikey"

Công ty bảo mật CMC Infosec đã nhanh chóng đưa ra giải pháp loại bỏ mã độc "Unikey" này qua công cụ miễn phí có thể tải về tại đây.

Các thành viên HVA Online cũng đang tích cực gửi các bản mẫu mã độc mới đến những hãng bảo mật lớn để bổ sung chúng vào danh sách nhận diện của các trình anti-virus.

Bạn đọc cần lưu ý tải các phần mềm, tiện ích từ chính website của nhà cung cấp, không tải về từ các diễn đàn hay website cung cấp phần mềm lậu. Đại đa số chúng đều có nhúng mã độc nguy hại bên trong, có thể đánh cắp dữ liệu từ máy tính nạn nhân. Luôn cần sử dụng trình bảo mật anti-virus và cả tường lửa (firewall) khi thường xuyên dùng kết nối Internet.

"Khác với các đợt tấn công trước đây, đây là dạng tấn công vào nguồn, gần như chưa bao giờ xảy ra tại Việt Nam và cũng rất hiếm khi xảy ra trên thế giới. Qua đó cho thấy mức độ phức tạp của các đợt tấn công mới và năm 2012 sẽ đón nhận thêm nhiều cuộc tấn công tương tự", theo nhận định từ thành viên xnohat từ HVA Online.

Sau khi phân tích mã nguồn, nhóm điều tra từ HVA Online cũng cho biết loại mã độc được nhúng vào bộ gõ Unikey có cấu trúc tương tự loại mã độc được phát hiện trong các phần mềm lậu được phát tán trên nhiều website hay diễn đàn tại Việt Nam. Một số phần mềm lậu được nhiều người ưa chuộng tải về là IDM (Internet Download Manager) cũng bị "dính" mã độc trên và "rất khó bị phát hiện". Mã độc chỉ là một module nhỏ đóng vai trò downloader, sau khi lây nhiễm vào hệ thống sẽ chịu trách nhiệm tải thêm các module gây hại khác về máy tính nạn nhân tùy thuộc chủ đích của chủ nhân.

Trong năm 2011, các thành viên của HVA Online cũng phát hiện một số mã độc, tình nghi cùng một nhóm tội phạm phát tán, đã biến rất nhiều máy tính người dùng ở Việt Nam thành công cụ để tấn công DDoS vào các website có chủ đích. Thông tin ban đầu cho thấy tổ chức tội phạm này rất tinh vi và chuyên nghiệp. Hiện vẫn chưa thể truy vết được cụ thể.

Đáng lo ngại hơn, hầu hết người dùng đã tải về bộ gõ Unikey có nhiễm mã độc trên sourceforge.net trong khoảng thời gian từ ngày 30-1 đến 2-3-2012 đều không biết máy tính của mình đã nhiễm mã độc. Hơn nữa, do cấu trúc phân mảnh phức tạp của loại mã độc mới này chưa được các chương trình anti-virus phổ biến hiện nay nhận diện nên chúng vẫn ung dung sống trên máy nạn nhân.(Xem thêm cách diệt đã cập nhật bên dưới)

Ngoài ra, bộ gõ Unikey nhiễm độc sẽ tiếp tục được phát tán một cách vô ý thông qua các chủ nhân của những website hay diễn đàn, họ đóng góp file đã tải về và đưa lên website của mình để những thành viên có thể tải về dùng. Trong khi đó, các kỹ thuật viên đã tải bộ Unikey nhiễm bẩn đưa chúng vào các phiên bản ghost để cài đặt nhanh nhiều máy tính (bản sao lưu Norton Ghost). Mức độ lây nhiễm sẽ phủ rộng hơn, phạm vi lan tỏa ở con số nhiều triệu máy tính.

THANH TRỰC


Đã trị được mã độc chèn trên Unikey

Thứ Sáu, 02/03/2012 16:00

(ictworld.vn) - Sau 24h nhận được thông báo, hãng bảo mật CMC InfoSec đã lập tức xử lí, đưa ra bản cập nhật và phát hành công cụ loại trù mã độc giả dạng phần mềm Unikey do hacker cài đặt vào trang unikey.org

Mã độc này được CMC InfoSec đặt tên là Trojan-Downloader.Win32.FakeUnikey.1. Sau khi cài đặt thành công, mã độc sẽ cài đặt dịch vụ vào máy người dùng, sau đó tải thêm các mã độc khác và biến máy tính bị lây nhiễm trở thành máy tính thuộc mạng máy tính ma dưới sự kiểm soát của hacker.


Theo ông Nguyễn Hoàng Giang - CisLab cho biết "ít nhất malware đã được đưa lên mạng từ 23-1-2012 hoặc có thể là trước đó, số lượng người dùng bị lừa tải phần mềm unikey có chứa mã độc là rất lớn."


Mã độc này được phát tán qua việc chèn mã độc vào phần mềm Unikey sau khi chiếm quyền kiểm sát hoàn toàn website unikey.org trong những tháng đầu năm 2012. Tin tặc đã trỏ các đường dẫn tải phần mềm Unikey về một website được làm giả của tin tặc ở trang web phần mềm SourceForge.net. Các file của phần mềm Unikey trên website này đều chứa phần mềm độc hại trojan.


Tác giả Unikey - Phạm Kim Long cho biết, trang web http://unikey.vn/vietnam/ cũng là giả mạo, để đảm bảo chương trình sạch, mọi người hãy download bộ cài Unikey từ kho chính của sf.net không bị hack ở địa chỉhttp://sf.net/projects/unikey.


Trojan-Downloader.Win32.FakeUnikey.1, đã được CMC InfoSec cập nhật vào cơ sở dữ liệu của CMC Anvirus / CMC Internet Security. Người dùng có thể download bộ cài phần mềm tại trang chủ của hãng:www.cmcinfosec.com, hoặc download công cụ tại:http://www3.cmcinfosec.com/downloads/tools/CMC.CleanFakeUnikey.zip

Chánh Trung

Bạn nào lười có thể tải từ entry này, (file CMC.CleanFakeUnikey.zip ) được đính kèm theo  ở cuối entry . Chỉ cần giải nén(extract file)và kích hoạt cho nó quét để tìm diệt

6 nhận xét:

  1. Tks... W, không biết có bị dính virus chưa mà mấy hôm nay phải leo tường oải luôn mà máy cứ chạy rì rì (rớt lên lên xuống hoài á). Hic...

    Trả lờiXóa
  2. Cám ơn NG nhe. Lão Đồ đã lập tức làm ngay nhưng thấy báo OK hết. Vậy là Lão Đồ chưa bị dính. He he he.

    Trả lờiXóa
  3. Chúc mừng Lão, nhân tiện hãy dùng các link đã hướng dẩn trong reply bên trên cho máy của lão đi thay vì than trời hoài, hihi.

    Trả lờiXóa
  4. cảm ơn anh NGOL nhiều, em mù mờ vi tính lắm nên có người chỉ mới biết :) để em làm thử

    Trả lờiXóa
  5. Cảm ơn bạn ghé nhà, trong tag"abc tin học" còn nhiểu bài viết khác hi vọng bạn có thể áp dụng :-)

    Trả lờiXóa

Cảm ơn bạn đã ghé thăm Già!
:)