Bài này đọc thấy trên một trang báo Hải ngoại, thấy có nhiều điểm hay nên post lại để bạn bè cùng đọc vì ở nhà không chắc vào được trang báo ấy...
Kẹt xe tại Hàng Xanh, SG. Nguồn: vnphoto.net
Khi còn ở Sài Gòn, tôi nhớ cứ mỗi lần ra đường là mình trở nên bực bội, căng thẳng, dễ dàng nổi cáu. Bởi khói bụi, ô nhiễm, nạn kẹt xe tắc đường liên miên, nạn ngập nước mùa mưa, giao thông hỗn loạn… Nhiều khi phải mất hàng tiếng đồng hồ để đi một quãng đường lẽ ra chỉ mất 10, 12 phút chạy xe gắn máy để tới một cuộc hẹn công việc hay hẹn với bạn bè. Và khi tới nơi được thì tâm trạng cũng mất vui.
Có những lúc tôi chứng kiến người khác sẵn sang nổi đóa, cãi nhau, chửi nhau ầm ỹ chỉ vì một vụ va quẹt nhỏ hay vì không nhường nhau trên đường. Ngay cả chính tôi cũng thế, có những lúc sẵn sàng vằn mắt quát lên ngay khi người khác chạy xe ẩu, lạng lách qua mặt chẳng hạn. Để rồi sau đó thừ người ra tự hỏi: sao mình có thể rất kiên nhẫn trong công việc-một công việc vốn phải làm việc với rất nhiều người và rất nhiều sức ép, nhưng lại dễ mất kiên nhẫn đến thế khi đi trên đường?
Tự hỏi rồi tự trả lời, là bởi vì cuộc sống có quá nhiều thứ làm cho con người dễ phát khùng lên. Không dám phát khùng trong công việc-vì nó là nồi cơm, là sự nghiệp, hay với đồng nghiệp, người thân; thì nổi khùng với những chuyện vặt vãnh khác, với người xa lạ. Thế thôi.
Rõ ràng cuộc sống ở VN bây giờ gây cho con người quá nhiều những sự căng thẳng, bực bội. Nói như thế thì nhiều người sẽ bẻ lại: cuộc sống ở đâu mà chẳng căng thẳng, nhiều sức ép, con người phải quay cuồng với công việc từ sáng đến tối. Và xã hội nào mà chẳng có những vấn đề phải giải quyết. Cứ thử sang Mỹ, sang Nhật, hay Anh, Pháp…xem. Nhưng sự căng thẳng ở VN nó làm cho chúng ta bực vì hầu hết những vấn đề đang tồn tại trong xã hội nó vô lý quá, lẽ ra nó phải khác, nó không được phép ngang nhiên tồn tại như vậy.
Ví dụ nạn tắc đường. Đã tắc đường mà còn cứ đào đường lên sửa quanh năm, rồi quây lô cốt chiếm diện tích mặt đường hết ngày này qua tháng khác, bên cạnh đó là nạn buôn bán tràn lan lấn chiếm lề đường làm người đi bộ phải đi tràn xuống lòng đường, làm sao không tắc thêm? Mà có phải báo chí không nói đâu, nói mãi, chả thay đổi gì. Hay nạn nước ngập trời mưa, cứ mỗi năm mỗi ngập hơn, năm nào chả có người chết vì cống hở, vì điện giật…rồi vẫn cứ thế.
Nhìn lại tất cả mọi chuyện lớn nhỏ trong mọi lĩnh vực xã hội ở VN, chúng ta nhận ra một thực tế là hầu hết những “vấn nạn” đều đã tồn tại từ lâu. Và dù dư luận đã ta thán, kêu gào lên rất nhiều, nhưng chẳng có cái gì được cải thiện, chỉ có ngày càng tệ hơn. Điều đó làm cho con người bực bội hơn gấp nhiều lần. Đã vậy lại quá nhiều những sự vô lý, bất công cứ nhan nhản trong xã hội. Đã vậy người dân lại cứ bị “quấy nhiễu” thường xuyên về mặt tinh thần bởi những chính sách thay đổi xoành xoạch của nhà nước.
Như chuyện học hành phân ban, thi cử của học sinh. Cứ thay đổi xoành xoạch như là đánh đố. Thi tốt nghiệp cứ mỗi năm lại thay đổi môn, học sinh chỉ được biết trước ngày thi khoảng một tháng, rồi lúc thì kiến nghị bỏ thi tốt nghiệp, lúc lại tính chuyện gộp cả hai kỳ thi tốt nghiệp và thi đại học vào làm một v.v..Không chỉ học sinh mà phụ huynh, thầy cô cũng đau cả đầu. Hay chỉ riêng một chuyện mua bán ngoại tệ, kinh doanh vàng miếng chẳng hạn, có biết bao nhiêu thứ chỉ thị, cấm đoán cứ thay đổi làm người dân đến chóng mặt.
Tất cả những sự thay đổi liên tục, cái sau nhiều khi chỏi ngược với cái trước ấy vừa chứng tỏ một sự yếu kém, bất lực trong điều hành quản lý đất nước của nhà nước, vừa khiến người dân luôn ở trong một tâm trạng không yên ổn, hết sức mệt mỏi.
Xã hội bất ổn, kinh tế bất ổn. Vật giá leo thang hàng ngày, rồi điện tăng, xăng dầu tăng, đồng tiền ngày càng mất giá. Cuộc sống có quá nhiều thứ để phải lo, phải đối phó mà toàn là những thứ không đáng. Có lẽ vì vậy mà người VN bây giờ nhìn chung dễ bị ức chế, dễ nổi khùng, cách này cách khác.
Dư luận xã hội từng có một dạo bàng hoàng trước hiện tượng nữ sinh đánh nhau, lột áo làm nhục nhau rồi quay video clip tung lên mạng. Các nhà giáo, nhà tâm lý học, xã hội học đều đặt câu hỏi vì sao lại đến nỗi thế. Sự xuống cấp của đạo đức, của giáo dục-đã đành. Nhưng nó còn phản ánh sự bức bối trong tâm hồn các em. Bức bối, tức tối, bất mãn gia đình, trường lớp…không biết trút vào đâu, thế là đánh nhau, làm nhục nhau, như một hình thức để giải tỏa tâm lý.
Clip nữ sinh đánh nhau tràn ngập trên mạng. Nguồn: vnexpress.net
Nếu thường xuyên vào các mạng xã hội như facebook, chúng ta sẽ thấy có những sinh hoạt kiểu như thành lập các nhóm fan của ca sĩ này nghệ sĩ nọ. Rồi lại có những nhóm được lập ra để chê bai, chỉ trích một ca sĩ nào đó vì hát quá dở hay vì phong cách biểu diễn kém hoặc đơn giản, chỉ vì không thích. Các bạn vào đó viết những lời bình luận châm biếm, chửi bới, ném đá ca sĩ/nghệ sĩ mà họ không ưa. Đọc những lời bình loạn, chửi bới quá nặng nề, tưởng như thấy được cả gương mặt hả hê của người viết. Đó cũng là một hình thức giải tỏa tâm lý, chửi bới lăng nhục người khác chỉ vì không có gì vui hơn để làm.
Ngay cả đội ngũ thầy cô giáo, những người lẽ ra phải tượng trưng cho khuôn mẫu của đạo đức đối với học sinh, thì chúng ta cũng nhận thấy không ít những trường hợp cô bảo mẫu bạo hành trẻ, các thầy cô giáo sẵn sàng nổi nóng, văng những lời lẽ phản sư phạm vào mặt học sinh. Áp lực đời sống chăng? Nỗi bực dọc cơm áo gạo tiền và những cay đắng của nghề chăng?
Ngày càng nhiều những vụ xô xát, án mạng với tính chất ngày càng man rợ mà nguyên nhân nhiều khi chỉ vì va chạm nhau trên đường, vì nạn nhân lỡ “nhìn đểu” nên bị đâm cho bõ ghét hay một câu nói, một món nợ tiền bạc rất nhỏ…Chứng tỏ sự bức xúc, tức tối xã hội bị dồn nén bên trong, không biết làm cách nào để giải quyết, gặp dịp thế là bùng phát thành tội ác.
Các bị cáo trẻ trong vụ án giết người chỉ vì “nhìn thấy ghét” tại TP.HCM. Nguồn: vietbao.vn
Báo chí cũng đã nói nhiều đến những vụ công an đánh chết người, nhiều khi chỉ vì những lý do rất nhỏ như quên đội mũ bảo hiểm! Chỉ cần vào google search mấy chữ “công an đánh chết người” là sẽ ra cho ra hàng loạt kết quả.
Có những cái chết đầy oan ức, thương tâm, xôn xao cả dư luận như vụ anh Nguyễn Văn Khương bị tay thiếu úy công an Nguyễn Thế Nghiệp đánh chết chỉ vì quên đội mũ bảo hiểm, khiến người dân bất bình dẫn đến cuộc bạo động lớn nổ ra ở Bắc Giang ngày 25.7.2010. Vụ ông Trịnh Xuân Tùng ở Hà Nội bị tay trung tá công an Nguyễn Văn Ninh đánh gẫy hai đốt sống cổ ngày 28.2.2011 , từ vong sau khi vào bệnh viện một tuần cũng vì không đội mũ bảo hiểm. Hay vụ anh Nguyễn Công Nhựt, bị chết trong trụ sở CA huyện Bến Cát (Bình Dương) ngày 25.4.2011, sau 5 ngày bị bắt giữ trái pháp luật để điều tra về vụ mất cắp lốp xe, sau đó công an còn vu cho anh là tự tử…
Những chuyện như thế này không còn là hiếm nữa, có thể xảy ra cho bất cứ ai, ở bất cứ nơi nào trên đất VN, nếu một ngày chẳng may rơi vào tay…”công an nhân dân”.
Gần đây, có những vụ công an đánh cả trẻ em như vụ cháu Ngô Đình Phát (11 tuổi ở phường Thủy Xuân – TP Huế) bị trung úy Trần Nguyễn Hồng Quang đánh phải nhập viện ngày 15. 6 vì em lỡ ăn cắp tiền của cô ruột.
Công an đánh cả phụ nữ đang mang bầu như trường hợp chị Dương Thị Mỹ Ngọc bị ông Nguyễn Thanh Hải, công an phường Tân Phú, quận 9, TP.HCM đánh đa chấn thương phần mềm ngày 3.4 chỉ vì chị không chịu bán cua giá rẻ cho ông này; hoặc đánh cả người bị khuyết tật như tay trung úy Thái Quang Vinh, cảnh sát khu vực thuộc Công an phường Đức Thuận, thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) đã cãi nhau và đánh một người thợ sữa chữa điện tử bị khuyết tật, tháng 4.2011. ..
Cháu Phát 11 tuổi bị công an đánh bầm tím cả mông, đùi. Nguồn: dantri.com.vn
Đến mức này thì phải đặt câu hỏi phải chăng đội ngũ công an VN hầu hết có vấn để về mặt…tâm lý, tâm thần? Họ muốn đánh chết ai thì đánh, chỉ để chứng tỏ ta đây có quyền, hay đó là một sở thích bệnh hoạn, hoặc, cũng như đã nói ở trên, giới công an cũng thường xuyên rơi vào tâm trạng bức bối, bất mãn nên hễ gặp dịp là xả vào thân thể người khác-những nạn nhân đang ở trong tay họ?
Tất cả những điều này cho thấy tâm hồn con người VN nói chung không được bình yên, không thư thái, thậm chí bất mãn đối với cái xã hội mà họ đang sống.
Nó cũng cho thấy đạo đức, nhân cách, những phẩm chất tốt đẹp của con người VN đang bị hủy hoại một cách đáng ngại.
Xây dựng lại một đất nước bị tàn phá về kinh tế đã khó, nhưng xây dựng lại một xã hội trong đó con người bị méo mó, lệch lạc,tàn phá về mặt nhân cách, tâm hồn, sẽ khó hơn rất nhiều.